Cách viết tiểu thuyết cho người mới bắt đầu Có nhiều người luôn ấp ủ giấc mơ cầm bút viết nên những quyển tiểu thuyết thật hay. Thế nhưng không phải ai cũng biết bắt đầu viết từ đâu và nên viết tiểu thuyết thế nào. Nếu bạn đang cố tìm một bài viết chỉ cho mình cách viết tiểu thuyết thì bạn đã tìm đến đúng nơi rồi đấy! Mình sẽ hướng dẫn các bạn viết một câu chuyện thật hay ngay trong bài viết. Tiểu thuyết là gì? Muốn viết tiểu thuyết thì bạn phải hiểu được và lựa chọn được đúng thể loại thì mới có thể quyết được một quyển tiểu thuyết hay. Tiểu thuyết là những câu chuyện dài, chủ yếu là hư cấu, dựa trên ý tưởng tượng của tác giả. Tiểu thuyết có nhiều thể loại, nhiều phong cách khác nhau, có theo phong cách phương Tây, có những truyện lại viết theo phong cách Trung Hoa, hoặc dã sử Việt.. Nhìn chung thì tiểu thuyết rất đa dạng và phong phú, nên bạn không cần phải gói gọn câu chuyện mà mình muốn kể theo bất cứ khuôn mẫu nào cả. Một quyển tiểu thuyết hay là một quyển có chiều sâu, có nội hàm nội dung sâu sắc. Thường thì tiểu thuyết hiện nay có hai loại, một là đi theo hướng chiều sâu, loại còn lại chủ yếu là giải trí. Các quyển tiểu thuyết giải trí phát triển theo xu hướng mì ăn liền, người ta đọc xong thì thôi, không đọng lại nhiều, nhưng loại tiểu thuyết này lại có nhiều người đọc. Ngược lại, tiểu thuyết nội hàm thường khá kén người xem. Các bước để viết nên một quyển tiểu thuyết hay Bước 1: Tìm cảm hứng Bất kể một công việc sáng tác nào cũng cần có nguồn cảm hứng, nhất là sáng tác tiểu thuyết. Khác với những truyện ngắn, những đoạn văn bản được gói gọn, tiểu thuyết có chiều dài, có những quyển lên đến cả triệu chữ. Thế nên nguồn cảm hứng cần phải thật nhiều, duy trì trong thời gian dài. Nếu như bạn đang không có cảm hứng sáng tác, hãy cố gắng đi tìm nó, chứ đừng ở đó mà há miệng chờ sung. Thật ra cảm hứng có ở xung quanh chúng ta, chủ yếu là bạn có thể cảm nhận và hiểu được nó hay không. Bạn có thể đọc nhiều sách, truyện để tìm cảm hứng, nhưng đừng gói gọn cảm hứng của mình trong phạm vi nhỏ bé đó. Có khi bạn lại tìm thấy nguồn cảm hứng ở đâu đó trong cuộc sống, thông qua những cuộc nói chuyện với bạn bè, thông qua cuộc sống của những người quanh bạn. Bước 2: Thiết lập bối cảnh và thể loại truyện Thể loại và bối cảnh của truyện là hai thứ không thể tách rời nhau. Nếu bạn muốn viết truyện ngôn tình, xuyên không thì bối cảnh phải được thiết lập theo một phương diện người mang tri thức hiện đại xuyên về cổ đại, hoặc một thời không khác. Và bối cảnh của thời không đó sẽ như thế nào, là triều đại nào, mối quan hệ, cuộc sống.. thế nên bối cảnh truyện và thể loại ràng buộc lẫn nhau và phải quyết định song song nhau. Bạn có thể đặc bối cảnh theo những thứ quen thuộc quanh cuộc sống của mình, cũng có thể xây dựng một bối cảnh hoàn toàn khác. Cách tốt nhất để không bị lầm lẫn về bối cảnh là hãy tạo một phần ghi chú ghi chép tỉ mỉ về bối cảnh mà mình chọn, chẳng hạn: Thời đại nào, hiện đại hay cổ đại? Là thế giới hư cấu hay được dựa trên hiện thực? Thành phố/ tỉnh/ thành mà nhân vật chính ở là gì? Ở đó có những địa điểm, đặc điểm nào nổi bật? Những địa danh nổi bật trong thế giới đó là gì? Câu chuyện của bạn được diễn ra trong thời gian bao lâu? Bước 3: Xây dựng nhân vật Sau khi đã có bản phác thảo về bối cảnh cuộc sống rồi thì bạn có thể thử bắt tay vào công cuộc xây dựng nhân vật của mình. Và hiển nhiên người đầu tiên cần được đắp nặn chính là nhân vật chính của bạn. Bạn cần phải xác định chính xác được thuộc tính của nhân vật: Là một người thế nào? Giới tính nào? Bao nhiêu tuổi khi câu chuyện bắt đầu? Có tính cách thế nào? Trong quá trình trưởng thành có thay đổi tính cách hay không? Đó là những câu hỏi cơ bản để đảm bảo rằng nhân vật của bạn sẽ có tính nhất quán trong toàn bộ câu chuyện, không lộn xộn, không rõ là ai. Đương nhiên rồi, một thế giới thì không chỉ tồn tại duy nhất một nhân vật chính, dàn nhân vật phụ cũng là điểm cần chú ý đến. Hãy thử nghĩ xem bạn sẽ cần những dạng nhân vật nào trong mẫu chuyện của mình. Chẳng hạn như, bạn đang viết về một thế giới tiên hiệp, thế thì hệ thống nhân vật phụ của bạn sẽ cực kỳ khổng lồ. Bạn cần một người sư tôn hết sức yêu thương đệ tử hay một người mặt người dạ thú, âm thầm tính kế. Liệu nhân vật chính có cần một sư huynh, sư tỷ hay hồng nhan tri kỷ mang tính đột phá nào hay không? Nhân vật chính có người huynh đệ vào sanh ra tử hay không? Nhân vật phụ là những người mà bạn sẽ khó xây dựng được hết trong thời gian đầu, vì khối lượng nhân vật phụ sẽ biến chuyển dọc theo quá trình sáng tác của bạn. Nhưng có một số người phải có vai cố định, chẳng hạn như nhân vật phản diện, trùm cuối của truyện.. Đó là những người buộc phải xây dựng từ ban đầu để có thể khớp với các tình tiết truyện. Nếu có thể, hãy xây dựng cho họ hệ tư tưởng riêng. Vai chính diện không phải lúc nào cũng cần suy nghĩ tươi sáng chói lọi, và không phải nhân vật phản diện nào cũng tàn ác càn rỡ. Nhìn chung, mọi thứ đều dựa vào sức tưởng tượng của bạn, hãy cố xây dựng hệ thống ý thức cho dàn nhân vật của mình, như thế câu chuyện mới có sức hấp dẫn. Bước 4: Phác họa bản thảo Giống như làm văn thì cần dàn ý, lần đầu tiên viết tiểu thuyết cũng đòi hỏi bạn phải phác thảo trước để đảm bảo câu chuyện của mình đi theo một thời gian chuẩn, không lộn xộn đầu đuôi. Khi viết bản nháp, không nhất thiết phải viết mọi thứ theo trình tự hoặc đòi hỏi sự hoàn hảo, đây chỉ là một bản thông tin để cung cấp ý chính cho bạn trong quá trình sáng tác mà thôi, và bạn cũng sẽ có những sự thay đổi nhất định trong lúc chính thức viết truyện. Việc tạo bản phác thảo có thể giúp bạn sắp xếp các nhân vật phụ một cách hợp lý. Nhất là đối với những bạn nhắm đến thể loại trinh thám, việc có bản phác thảo sẽ tạo nên các gợi ý cho độc giả đi theo từng bước dẫn dắt của bạn chứ không choáng ngợp, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Viết tiểu thuyết không giống như viết một bài văn, không phải một ngày, một giờ là xong. Thế nên hãy tạo thói quen tập viết mỗi ngày và tạo tâm lý thoải mái cho mình. Đừng cố bắt ép bản thân phải viết thế này thế kia, phải được bao nhiêu chữ hoàn chỉnh.. Nếu như bạn đang không biết viết gì, hãy cứ viết hết tất cả những ý tưởng xuất hiện trong đầu mình vào bản nháp. Đợi đầu óc bạn thư thả lại, bạn có thể đọc chúng và sắp xếp chúng một cách hiệu quả. Ngoài ra, việc phác thảo bản nháp cũng tạo cho bạn cơ hiểu nghiên cứu về những thứ liên quan đến bối cảnh và câu chuyện của mình. Mỗi bối cảnh và mỗi loại hình đều có những thứ khác biệt riêng mình, cũng có những thứ khó hiểu mà bạn không nắm chắc được. Hãy dành thời gian tìm hiểu những tri thức đó để làm phong phú thêm câu chuyện của mình nhé! Bước 5: Bắt tay vào việc viết tiểu thuyết Nếu như đã hoàn thành được những phần cơ bản trên thì bạn đã có thể bắt tay vào việc viết bài rồi. Tiểu thuyết nên tách thành từng chương với từng ý chính, thể hiện rõ ở tên chương hoặc đặt theo hướng gợi mở để thu hút người xem. Có lúc, khi vừa hoàn thành một chương truyện, bạn sẽ cảm thấy không hài lòng về nó, đừng nản lòng hay từ bỏ mà hãy bắt đầu viết lại, thử diễn tả suy mình theo một chiều hướng khác. Việc quan trọng nhất để lúc viết, tiểu thuyết được liền mạch và hay đó chính là thử đặt mình vào hoàn cảnh đó, hoặc tưởng tượng tất cả mọi thứ thành một bộ phim ngắn trong đầu mình. Lúc đó bạn sẽ nhận ra có những thứ mình đang miêu tả rất khó tưởng tượng hoặc phi lý, đó là điểm bất cập của truyện và bạn nên sửa lại. Nếu gặp tình trạng bí từ, bí ý tưởng thì hãy cho bản thân một cơ hội xã hơi trước khi đâm đầu vào viết truyện tiếp. Bạn có thể nghe nhạc, đọc sách để khuây khỏa và tìm lối ra mới cho mình. Sau khi hoàn thành một chương truyện thì hãy dành thời gian đọc lại xem nó có vấn đề gì hay không, và có liền mạch với các chương trước hay không. Điều tiên quyết của một tiểu thuyết gia chính là nhận ra được bản thân đang có vấn đề ở đâu và phải chỉnh sửa nó trước khi đưa truyện của mình cho người khác đọc. Hãy đảm bảo là bạn đã làm tốt nhất có thể cho đứa con tinh thần của mình. Bước 6: Tìm nơi đăng tiểu thuyết Sau khi đã viết được một số chương nhất định, bạn có thể mang chúng chia sẻ với những người xung quanh, để họ đọc và góp ý cho mình. Cách để chia sẻ cũng rất nhiều, và ngày nay cách nhanh nhất chính là đăng lên các trang mạng xã hội hoặc internet. Có nhiều nơi để đăng bài, thậm chí là bạn có thể kiếm tiền từ đó, điển hình chính là diễn đàn Dembuon.vn. Đây là một diễn đàn dành cho những bạn có đam mê viết truyện. Khi đến đây, bạn sẽ nhận được sự tận tình giúp đỡ của bàn ban quản trị của diễn đàn, họ sẽ hướng dẫn cho bạn trong giai đoạn đầu nếu truyện của bạn mắc phải những lỗi cơ bản. Ngoài ra, khi đăng truyện ở đây, bạn còn kiếm được tiền thông qua lượt xem của truyện. Đây là một cách để bạn đánh giá được rằng truyện có mình có thật sự hay hay không. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được giao lưu trực tiếp với người đọc và nhận được những đánh giá của họ cho bộ tiểu thuyết của mình. Nhìn chung thì dembuon.vn là một nơi thích hợp cho những bạn có đam mê viết lách hoặc muốn khởi nghiệp từ viết lách, bạn sẽ không thất vọng khi tìm đến đây đâu. Trên đây là các bước cần thiết để có thể tạo nên một quyển tiểu thuyết hoàn chỉnh, mong rằng những chia sẻ trên có thể giúp ích cho bạn trong quá trình sáng tác của bạn! Mèo Huỳnh Mai